Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

CLB NGHE - NHÌN HẢI DƯƠNG GẶP GỠ GIAO LƯU VỚI ANH EM CLB AUDIO LẠNG SƠN 09.10.2016

Ngày 09 tháng 110 năm 2016 anh em CLB Nghe - Nhìn Hải Dương đã có buổi giao lưu gặp mặt với anh em Audio Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Giang tại Hải Dương để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chơi, phối ghép Audio:

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

CLB NGHE - NHÌN HẢI DƯƠNG GẶP GỠ GIAO LƯU VỚI ANH EM VNAV 23.01.2016

Ngày 23 tháng 01 năm 2016 một số anh em CLB Nghe - Nhìn Hải Dương đã có buổi gặp mặt với một số anh em VNAV Hà Nội tại Hải Dương để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chơi, phối ghép Audio:



SẢN XUẤT BĂNG CASSETTE TỪ NĂM 1974:


Một dây chuyền sản xuất băng Cassette từ năm 1974 
(Nguồn Video: Musicboxspa)

SỐNG LẠI TRÀO LƯU CASSETTE:

(Khánh Chương báo Sài Gòn tiếp thị 25/12/2015)

Ở Sài Gòn, những chiếc máy cát xét (cassette) của thời xưa cũ tưởng như đã mất hút đâu đó như một món hàng phế thải lại được “sống” khi trào lưu nghe nhạc từ thiết bị này được không ít người quan tâm.

 Không khó tìm:



Từ những năm đầu của thập niên 1980, đĩa CD ra đời. Âm nhạc kỹ thuật số trau chuốt, thiết bị dáng hình hiện đại khiến những âm thanh gần gũi, mộc mạc từ cassette dần chìm vào quên lãng. Rồi cứ thế công nghệ phát triển, đĩa CD tiếp tục bị các thiết bị khác lấn sân và chiếm chỗ. Thậm chí, ngoài những người thuộc giới chuyên môn đang sử dụng các thiết bị hi-end chuyên biệt, đa số người dùng nghe nhạc chỉ còn thưởng thức âm nhạc ngay trên nền tảng Internet, qua các thiết bị di động.

Tuy nhiên, cũng như đĩa than, băng cối, phong trào sử dụng băng từ và máy cassette bắt đầu hồi sinh trong những năm gần đây ở Sài Gòn. Anh Văn Thanh Hùng (Gò Vấp), người có nhiều năm kinh nghiệm lắp ráp, mua bán các thiết bị âm thanh “xưa cũ” khẳng định, nguồn gốc phong trào này bắt đầu từ những tay đầu nậu buôn đồ cũ ở Campuchia về. Trước đó, phong trào sưu tầm, thưởng thức đĩa than, băng cối đã lên cao.

Theo anh Hùng, nhiều người đi buôn hàng container về, máy cassette chỉ như món hàng bán kèm giá rẻ. Đến khi một số người nghe lại, cảm thấy hay rồi truyền tai nhau. Những lời đồn thổi cũng tăng dần, giá trị sưu tầm và giá cả cũng nâng lên. Thú chơi cassette dần nở rộ. Ban đầu, người ta tìm các dòng máy tự hành (máy xách tay, có sẵn đầu phát, loa, âm ly bên trong), sau đó tìm thêm đầu câm (cassette deck – thiết bị đầu phát).

Anh Ngọc Thanh, một tay sưu tầm băng từ ở quận 1 giải thích thêm, từ những năm 1965, Việt Nam nhập về chủ yếu là các dòng máy cassette tự hành chỉ có loại một loa, kèm theo đài radio dùng để nghe mono (âm thanh đơn kênh, đơn loa). Sau đó có loại hai loa để nghe âm stereo (nghe hi-fi, âm thanh nổi). Nói chung, máy tự hành gọn nhẹ, tiện lợi nhưng nghe nhạc thì không hay. Loại này chỉ có giá trị sưu tầm hoặc để học trò học Anh văn, có thể tìm thấy dễ dàng ngoài các khu chợ bán thiết bị điện tử của Sài Gòn.

Để đáp ứng nhu cầu nghe nhạc, khoảng những năm 80, các hãng cassette sản xuất đầu câm (phải có thêm âm ly và loa mới nghe hát được). “10 năm trước, đầu câm bị vứt bỏ thì giờ có giá trị lại. Hàng tồn kho bên Nhật Bản về, có những đầu còn chưa qua sử dụng đang hình thành nên nhu cầu mua bán, trao đổi khá sôi động”, anh Thanh nói.

Cuộc chơi của “gu riêng”:

 

Theo những người chơi, với cassette tự hành, khâu âm thanh không được chú trọng nhiều bằng yếu tố hoài niệm. Nhưng với những người có nhu cầu thưởng thức âm nhạc, ngoài âm ly và loa, đầu câm trở thành đề tài trao đổi sôi động nhất. Dạo qua các trang mạng về âm thanh cổ, hầu hết mỗi trang đều có hẳn một diễn đàn chuyên dành cho mục mua bán hoặc trao đổi thông tin. Khi phong trào sử dụng máy cassette rầm rộ, không ít các cuộc tranh luận đã diễn ra nhằm so sánh cả gu âm nhạc giữa băng cassette với băng cối.

Nhiều người chơi nhạc cho biết so với âm thanh kỹ thuật số (digital), âm analogue mộc mạc, giọng hát của ca sĩ bao trùm lên nhạc đệm. Đây là kiểu chơi của sự hoài cổ. Theo anh Hữu Minh (quận 8), một thành viên trên các diễn đàn mua bán đầu từ cassette thì hiện nay, việc nhập các đầu từ về Việt Nam đang tăng nhanh. Đây là một thuận lợi cho việc tìm lại âm thanh analogue cho người chơi.

Anh Minh cho rằng, băng cối tiếng “dày”, nghe nhạc vàng “phê” hơn nhưng phụ kiện thì quá tốn kém, nguồn băng nhạc ít nên giá thành cao. Trong khi đó, đầu cassette có giá thành rẻ, thông dụng và dễ chơi hơn. “Đầu cassette loại xịn thì nghe cũng chẳng thua gì đầu băng cối. Nên với các anh em vừa mới làm quen dòng nhạc analogue thì nên chơi cassette”.




 Một vài lưu ý Chủ cửa hàng điện tử T.B trên đường Nguyễn Kim, quận 10 cho biết, vì là máy đã qua sử dụng, nên cũng cần kiểm tra kỹ các chi tiết trước khi mua. Theo tư vấn của ông, khi mua phải nhìn bên trong máy và hộc băng, nếu thấy sạch sẽ, ít bụi là được. Kế đó, người mua cần kiểm tra các nút bấm điện tử xem độ nhạy của nút. Đối với các nút cơ (dùng tay ấn) thì khi ấn xuống phải nhẹ.

Với hệ thống truyền động như mở nắp hộc băng, di chuyển đầu từ phải còn hoạt động tốt, không khô dầu. Các đầu cắm ngõ ra không rè hay nhiễu, mất tín hiệu. Đối với các máy có kèm đĩa, mp3; hệ thống đèn LED hay màn hình hiển thị phải đang hoạt động tốt. “Khi kiểm tra, bạn nên chơi thử vài băng để nghe âm thanh có bị “nhão”, nhiễu tiếng hay không. Máy chạy êm, không “lọc cọc”, không rối băng là đạt yêu cầu”, ông nói.

Còn với cô gái Minh Ánh, một bạn trẻ 9X nhưng cũng có “thâm niên” chơi dòng máy này cho biết, nếu không cần hàng đắt tiền nhưng vẫn mang lại cảm xúc chân thật và gần gũi, không quá chú trọng chi tiết kỹ thuật mà chỉ muốn thả hồn theo từng lời ca sĩ hát, thì một cassette deck là lựa chọn ưng ý. Minh Ánh tiết lộ, cô đã từng tốn không biết bao “học phí” để đuổi theo những thương hiệu lớn của đầu đĩa digital, mong được thưởng thức chất lượng âm thanh đỉnh cao. Chỉ đến khi được nghe lóm chất âm trầm, dịu, ngọt ngào từ đầu câm hiệu Nakamichi, cô mới tìm thấy điểm dừng.

Mua của người chán, bán cho kẻ thèm:

Đánh giá về thú chơi hiện tại, anh Thanh cho rằng dân chơi cassette bây giờ chơi theo kiểu hoài cổ chứ không hẳn là một thú sưu tầm. Loại tự hành thì mang ý nghĩa trưng bày. Muốn nghe thì người dùng phải “chơi” nguyên bộ dàn gồm loa, âm ly, đầu phát. Theo anh, đẳng cấp của cassette có đầu phát gồm hai phần chính là đầu từ và bộ cơ. Xếp theo thứ tự, cao cấp nhất là loại đầu từ kim cương, sau đến đầu từ kiếng, đầu từ sắt, đầu từ than. Loại đầu từ than giá trị thấp nhất vì mau mòn, xài chừng 1.000 lượt quay thì bắt đầu hỏng. Loại này được dùng phổ biến trong các máy cassette tự hành.

Anh Thanh tư vấn thêm, trên thị trường hiện có các loại máy cassette 1-3 đầu từ. Nếu muốn tự thu, tự nghe thì nên dùng loại 3 đầu từ vì tính tiện lợi trong việc kiểm tra cũng như đảm bảo chất lượng thu-phát. Bộ động cơ tuy không quyết định chất lượng âm cực kỳ quan trọng vì nó liên quan đến việc vận hành băng, máy. Trước đây có loại cơ học tự nhiên. sau này có bộ cơ điện tử. Người dùng nên chọn loại có motor cuốn băng riêng để vận hành dàn cơ hơn là chọn loại cơ khí thuần túy.

Các “tay chơi” trong lĩnh vực này cho rằng, đầu phát về tới Việt Nam thường là thượng vàng hạ cám. Do đó, ngoài chức năng, thương hiệu uy tín (Nakamichi, Teac, Sony, Pioneer…), khi mua, người dùng cần kiểm tra thông tin về đặc tính, tình trạng của máy. Quan trọng hơn là phải thử máy, coi máy trước khi mua, không nên mua “mù” qua mạng.

Thiết bị âm thanh cổ chủ yếu mua bán trên mạng vì tốn diện tích trưng bày mà chỉ phục vụ cho một bộ phận nhỏ người dùng. Hiện có những trang mạng lớn mà người dùng có thể tham khảo như trang Nghe nhìn Việt Nam, Phố mua bán, ebay…

 

Băng cassette có nhiều chuẩn, thông dụng nhất là băng C60 (30 phút âm thanh mỗi mặt), C90 (45 phút mỗi mặt)… Ngày trước, hai thương hiệu của Sony, Maxel là khá quen thuộc với người dùng.

Loại băng trắng cassette đã ngừng sản xuất nhưng so với băng cối, nguồn băng cũng còn khá nhiều. Băng trắng khoảng 30.000-100.000 đồng/băng. Đối với loại “một nước” (ghi âm 1 lần) có giá khoảng 10.000-30.000 đồng/băng. Trên các diễn đàn hiện có dịch vụ bán băng kèm ghi âm khoảng 50.000 đồng/băng.

Chia sẻ thêm kinh nghiệm về giá cả, anh Thanh cho rằng mặc dù dân chơi tự đánh giá để đưa ra một mức giá chung nhưng đôi khi vẫn gặp được giá hời bất ngờ. “Vì là thú chơi nên người ta mua từ người chán bán lại cho kẻ thèm để kiếm lời. Có người chán không muốn chơi nữa thì bán rẻ hoặc biếu không cho anh em, bạn bè. Nói chung giá đầu câm có thể 5-7 triệu đồng/bộ hoặc cao hơn nữa. Với người có nhu cầu tầm trung, chỉ 2 triệu đồng là có thể mua được đầu máy tốt”, anh nói.

Đối với dòng máy tự hành, hàng mới có thể tìm thấy ở các siêu thị điện máy, tầm giá 1-3 triệu đồng/máy. Với mặt hàng cũ, khảo sát tại chợ Nhật Tảo (TPHCM), giá dao động từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/máy.

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

KÝ ỨC MỘT THỜI VỀ ĐÀI CASSETTE

Năm 1986 - cái năm sắp là cuối cùng thời bao cấp duy trì đã lâu thống trị toàn bộ nền kinh tế nước nhà, nền kinh tế đi xuống dốc không phanh, đời sống người dân thật là cùng cực (cái năm 2013 này mình có cảm giác cũng đang sắp như vậy). Tất cả các chính sách, nghị quyết thay đổi kinh tế của chính phủ về GIÁ - LƯƠNG - TIỀN vừa ra (Do cụ nhà thơ TỐ HỮU và giáo sư TRẦN PHƯƠNG chủ trì) đã hoàn toàn phá sản....Người dân ta thời ấy rất giống dân tộc Bắc Triều tiên bây giờ: không được làm cái gì cả, đều do kinh tế nhà nước làm hết, kể cả tư duy của mọi người....Trước đó tất cả các nhà nào ở Hà Nội cao từ 3 tầng trở lên (mà ngày ấy các nhà 3 tầng gọi là vậy có cái quái gì đâu) đều bị công an khám xét, tịch thu của cải mà không có bất kỳ một văn bản, nghị quyết hay quyết định nào của cấp cao ban ra cả (lạ thật các bác nhỉ...)...Nói lan man lại thì là KINH TẾ NGÀY ĐÓ CỰC KỲ KHỦNG HOẢNG, RẤT DỄ XẢY RA BẠO ĐỘNG HOẶC BIẾN ĐỘNG XÃ HỘI do người dân đã bị bịt hết đường làm ăn như người BỊ TRÓI ( sau này Ngài TBT NGUYỄN VĂN LINH lên mới cởi trói phần nào cho nhân dân...).


Cũng cái ngày đó mình đang học năm thứ 2 Đại Học ở Hà Nội, đói khổ, ăn cơm nhà bếp thì toàn cơm đen, cơm sạn, đói khát triền miên, bố ở nhà bị cơ quan bức bách, chán quá đành bỏ về hưu thì đúng lúc mình vào Đại Học (năm 1984). Mẹ làm công nhân quần quật không đủ nuôi 4 anh em, sau này lần lượt cũng vào đại học,...Nhớ lại hồi đó mình mê cái đài Cassette lắm, toàn phải sang hàng xóm nghe nhờ thôi. Mình có 2 kỷ niệm thật khó phai với đài và âm thanh của Cassette đó là:
1- Ở cùng phòng ký túc xá có ông bạn, ông này có ông chú ở khu tập thể Thanh Xuân tận tầng 3 có cái đài em còn nhớ như in đó là RADIO CASSETTE JVC PC-W47 màu đỏ. Cứ chủ nhật mình lại lấy xe đèo cái thằng bạn béo ị nặng gần gấp đôi mình, nịnh lọt nó để nó đưa qua nhà ông chú để nghe nhạc vàng. Quãng đường đèo thằng bạn từ Ký túc xá Đại Học giao thông đến Tập thể Thanh Xuân sao hồi đó nó xa thế, bụng thì đói (có được ăn sáng bao giờ đâu), đạp xe vã mồ hôi chỉ để được ngắm cái đài Cassette 2 cửa băng và nghe nó hát. Cái đài được phủ một tấm khăn voan màu trắng, khi nghe thì người nhà mới được vận hành, lật tấm khăn voan lên như lật khăn cô dâu vậy. Nghe băng nào thì người nhà bỏ vào, bọn mình không được sờ, chỉ ngồi nghe thôi. Bụng đói nhưng sao âm nhạc ngày đó nó phát ra từ cái Cassette nó hay vậy các Bác ạ. Có hôm nghe luôn vài cuốn băng, đến lúc đã muộn, trưa chặt mới về nhà bếp thì ôi thôi, bọn cùng phòng nó chén hết xuất cơm của mình rồi, thế là đành chấp nhận nhịn đói bữa trưa vì mải nghe nhạc vàng (ngày đó bố mẹ cho ít tiền lắm, không đủ tiền ăn cơm quán như bây giờ, thương bố, mẹ nên đành nhịn đói vậy...).
2- Vào kỳ nghỉ hè năm 1985 mình từ trên trường về nhà, buổi tối sau khi đạp xe đi chơi với lũ bạn đã muộn mình đi qua cái phố Xuân Đài ở Hải Dương thì thấy một nhà mở đài to, hát nhạc vàng phát ra giọng hát Tuấn Vũ nghe phê quá, thế là mình dừng xe ngồi chồm hỗm ở vỉa hè đối diện, lót dép ngồi nghe trộm cho đỡ thèm. Trong nhà bật đèn sáng em nhìn rõ đôi loa LIÊN XÔ S90D, một bộ amply Nga có 5 cần gạt equalizer mỏng mỏng và một cái đầu cassette cũng mỏng của Nga. Vừa nghe vừa nghĩ đến bao giờ mình đi làm đủ tiền mình cũng sẽ sắm một bộ nghe như vậy. Em ngồi nghe đến lúc nhà người ta đóng cửa đi ngủ mình mới lủi thủi ra về.
Sau một loạt các sự kiện xảy ra như đã kể ở trên mình về nhà nỉ nôi, lấy lòng bố mẹ và thỏ thẻ xin gia đình bán bớt đồ đi để sắm 01 cái Radio Cassette cho gia đình để nghe, ngày đó bố mẹ mở thêm nghề làm đậu phụ nên cũng muốn có cái đài nó hát để nghe. Bố đồng ý thế là mấy đêm bồn chồn mất ngủ, mình lên kế hoạch phải đi Hà Nội mua cho nó oách....Với cái nền kinh tế chung khó khăn là vậy, với khó khăn của chính gia đình mình là vậy, dưới em là 3 đưa em cũng đang tầm ăn, tầm học,...bố về hưu sớm, mẹ làm công nhân kèm thêm nghề làm đậu phụ, thế mà dám TẤT CẢ VÌ CÁI ĐÀI CASSETTE, mà các đài cassette ngày đó chỉ có nhà giàu hoặc trung lưu mới dám sắm, như nhà mình như vậy là đua đòi rồi,...Nói vậy để các Bác thấy trong tận cùng đói khổ, thì tinh thân âm nhạc vẫn giữ vững khí phách, đúng không các bác, ít ra với mình nó đúng là như vậy.
Trên tình thần nhất trí, bàn bạc đã được đại gia đình thông qua gồm 6 người: Bố, mẹ và 4 anh em (ba trai một gái út) đồng ý kham khổ, chắt bóp dành ra một ngân sách khoảng 400 ngàn đồng năm 1986 để đi mua 01 con đài Cassette mặc cho cái đói, cái rét, cái kham khổ vẫn đang hoàng hành. Thủ lĩnh của dự án lớn lao này chính là mình, do vậy mình đã lên kế hoạch ngay cho ngày đi mua sắm kẻo nó mà nguội mất thì ông chủ tài khoản là Bố mình dễ bị thay đổi ý kiến lắm. Theo kế hoạch đã bàn, mình sẽ lên trường ĐH trước, vào một ngày hè nóng nực hôm chủ nhật bố và cậu em trai mình đã cùng đi và mang xe đạp lên, bố và em sẽ đi chuyến tàu HẢI DƯƠNG - HÀ NỘI. Đến Hà Nội bố và em mình đạp xe về ký túc xá ĐH chỗ mình ở rồi mình lấy xe đạp đi cùng ra chợ ngã tư sở Hà Nội. Ở chợ này có ông anh ruột thằng bạn cùng phòng ký túc xá chuyên buôn bán đài Cassette Nhật, Thái, Tàu. Với khoản chi phí có 400 ngàn, được tư vấn lấy con đài Cassette TOSHIBA RT-SX26 như dưới đây:





Giá cả thỏa thuận ngày đó là 375 ngàn đồng - bớt được 5 ngàn đồng do là người quen. Lấy xong đài chả kịp ăn cơm, bố và em trai lại đèo nhau xe đạp ra ga HÀNG CỎ để kịp chuyến tàu về Hải Dương ngay, mình ở lại mà lòng cứ nao nao,...thế là nhà mình tuy nghèo đói nhưng đã có đài Cassette nghe rồi, nghĩ đến đó thôi lòng thấy rạo rực chỉ muốn theo bố về ngay thôi, nhưng phải ở lại vì còn vài môn thi nữa.

Sau đó cứ ngày nghỉ cuối tháng là mình lại về nhà, buổi tối vác cái đài ra hè, trải chiếu, kéo dây điện ra bật nghe băng Tuấn Vũ, Hương Lan, Giao Linh. Ngày đó nghe cái âm thanh từ băng Cassette sao hay thế, anh em hàng xóm sang chơi chỉ uống nước chè vã và nghe nhạc vàng thôi mà thấy ngây ngất hãnh diện lắm rồi....
Giờ đây khi quá khứ đã đi vào dĩ vãng mình vẫn giũ lại kỷ niệm êm đẹp xa xưa và còn sắm thêm 01 con đài Cassette TOSHIBA RT-SX26 nữa.


Cũng chính vì những quá khứ, dĩ vãng êm đẹp của tuổi trẻ như trên mà mình đã nuôi một mong ước từ đó: Nếu có tiền, có điều kiện sẽ cố gắng sưu tập nhiều Radio Cassette mà trước kia mình thích.

Đến nay theo thời gian bộ sưu tập Radio Cassette nhà mình cũng khá đủ chủng loại mà ngày xưa chỉ dám nằm mơ thôi:

 
 Một góc bộ sưu tập Radio Cassette nhà CAO SƠN.

  
Các bạn có thể xem thêm bộ sưu tập của nhà mình tại đây:
BỘ SƯU TẬP BOMBOX CASSETTE NHÀ CAO SƠN:


Link khác: 

Facebook: Câu lạc bộ nghe - nhìn Hải Dương 
Facebook: Hội chơi âm thanh Cassette

SONY GIỚI THIỆU... BĂNG CASSETTE MỚI

Sony giới thiệu… băng cassette mới 

Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng thời đại của băng từ đã hết, và không còn mấy ai sử dụng chúng ngày nay khi công nghệ kỹ thuật số đang ở đỉnh cao của nó.



Băng cassette Sony HF Series với chữ lớn rất dễ nhìn.


Việc sao chép, lưu trữ hay bảo quản những file nhạc đã dễ dàng hơn rất nhiều so với băng từ. Và đương nhiên chúng ta đúng. Tuy nhiên, Sony nghĩ đến những khía cạnh khác, và chính vì thế họ đã giới thiệu dòng băng cassette mới với tên gọi HF Series.

Nhiều người vẫn giữ gìn, nâng niu những chiếc máy cassette đã cũ nhưng mang nhiều giá trị kỷ niệm, hoặc bản thân nó lại chính là một vật báu cho những người thích sưu tầm máy móc cổ, và những người già, không thể làm quen được công nghệ mới, vẫn yêu thích những bài nhạc xưa từ chiếc máy băng từ đã gắn bó với họ từ lâu, đó chính là những khách hàng thân thiết mà Sony muốn hướng đến khi ra mắt dòng sản phẩm này.

Dòng băng mới HF được thiết kế với kiểu chữ lớn (dành cho những ai có khó khăn về thị giác) ra mắt thị trường với 3 phiên bản – 10 phút, 60 phút và 90 phút. Một ưu đãi đặc biệt khác của Sony dành cho các khách hàng đặc biệt này là giá sản phẩm khá rẻ (từ 1 đến 2.3 euro) và còn rẻ hơn nếu mua số lượng lớn.



Băng cassette Sony HF Series 30, mua nguyên bộ sẽ có giá rẻ.


Nếu yêu thích người dùng có thể mua tại bất kỳ trang bán hàng trực tuyến nào, chẳng hạn Amazon, Ebay...

(Theo báo điện tử eChip)

BĂNG CASSETTE ÂM THẦM TRỞ LẠI THỊ TRƯỜNG

Băng cassette âm thầm trở lại thị trường

Chiếc băng cassette, một vật phẩm tưởng như đã lỗi thời và là ký ức đẹp của nhiều người yêu nhạc, đang ngầm quay trở lại thị trường nhờ sự giúp đỡ của một công ty Canada. Xu hướng kỳ lạ này đã khiến người ta ngạc nhiên, bởi tưởng như băng cassette đã không còn chỗ đứng trong thời đại nhạc số tràn ngập như hiện nay.

Đơn đặt hàng đầu tiên được thực hiện vào năm 1989, chỉ có vẻn vẹn 10 băng cassette. Nhưng chừng đó đã đủ để thành lập Analogue Media Technologies, một công ty Canada đã giúp nhiều ban nhạc tung sản phẩm của họ ra thị trường.


Các băng cassette, tưởng như đã trở thành đồ cổ, nay đang âm thầm trở lại cuộc chơi

 

Âm thanh hay nhất 

Thời hoàng kim, các nhạc sĩ thường mang các bản thu âm gốc và thiết kế album của họ tới cho Analogue và công ty, hiện còn có tên khác là Duplication.ca, sẽ biến các nhạc phẩm đó thành những album hoàn chỉnh, đẹp mắt, sẵn sàng để phân phối.

Công ty bắt đầu với các băng cassette, đĩa vinyl, trước khi xu thế thị trường dần chuyển qua đĩa CD, DVD và Blu-ray. Giờ đây công ty lại trở về loại hình thu âm đã khởi đầu tất cả: băng cassette. "Chúng tôi trở lại với băng cassette và xem đây như điểm tạo hấp lực chính" - Denise Gorman, đồng sở hữu công ty có trụ sở ở Montreal nói.

Analogue cho biết thu âm vào băng cassette hiện chiếm 25% hoạt động kinh doanh của công ty. Đây là một sự thay đổi đáng ngạc nhiên so với cách đây 5 năm, khi băng cassette dường như đã đi theo con đường diệt vong của các băng từ 8-track cartridge từng rất thịnh hành trong những năm 60 và 70.

Nguyên nhân do những người đam mê âm thanh thuần khiết vẫn yêu thích âm thanh phát ra từ các băng cassette cổ điển hay đĩa nhựa vinyl. "Âm thanh số luôn chỉ là các con số 0 và 1" - Fernando Baldeon, một nhà tư vấn kinh doanh từ Analogue nói - "Âm thanh thu bằng kỹ thuật thu âm tương tự (analog) hiện vẫn cho ra thứ tiếng nghe hay nhất".

Được biết đĩa nhựa vinyl, tình nhân của những người mê âm nhạc thuần khiết, có thứ âm thanh rất hay. Nhưng mức giá của chúng lại rất đắt, thường lên tới 13,8 USD cho mỗi đĩa hát hoặc hơn. Trong khi đó băng cassette có giá chỉ chừng 1 USD mỗi chiếc, với chất lượng âm thanh có thể so sánh được.

Nhiều ban nhạc, hãng đĩa ra băng cassette

Sự trỗi dậy bất ngờ của băng cassette đã khiến không ít ban nhạc, đi đầu là các nhóm nhạc Anh như MGMT, British Sea Power và She & Him đã cho ra các album/nhạc phẩm sử dụng băng cassette.
Cụ thể, trong tháng 4 vừa rồi, MGMT đã chọn việc sử dụng băng cassette khi tung ra ca khúc mới Alien Days. Tuy nhiên, ban nhạc vẫn bán kèm với băng cassette các mã tải nhạc để người mua có thể tải nhạc số về máy nghe của họ.
Trong khi đó She & Him cũng đã có kế hoạch tung album Volume 3 của họ trên băng cassette và đĩa vinyl thông qua hãng thu âm Merge của Mỹ. Năm ngoái, ban nhạc Dinosaur Jr đã bán bộ 3 băng cassette có chứa 3 album đầu tay của họ là Dinosaur, You're Living All Over Me và Bug với số lượng hạn chế cho người hâm mộ sưu tập.
Vậy lý do gì để các ban nhạc và hãng đĩa quay trở lại với nền tảng băng cassette? Các chuyên gia đánh giá trước tiên đó là việc tận dụng cảm giác hoài niệm về băng cassette, với những ký ức đẹp đẽ của nhiều thế hệ đã gắn liền cùng các băng nhạc này.
Thứ hai, với nhiều người, đây giống như là việc mua thêm một vật phẩm sưu tầm từ ban nhạc họ yêu thích. Thường các băng cassette bán ra đều kèm theo mã tải nhạc qua mạng để đề phòng người hâm mộ không còn máy nghe băng cassette vẫn có thể thưởng thức được nhạc phẩm.
Cuối cùng, băng cassette được đánh giá là đã mang đến một nền tảng giá rẻ để nhiều người có thể thử nghiệm việc phát hành các sản phẩm âm nhạc của họ ở quy mô nhỏ. Ví dụ như hãng đĩa Bruised Tongue ở Ottawa hiện chủ yếu hoạt động nhờ việc ghi âm cho các ban nhạc punk địa phương, bên cạnh các nhóm nhạc hip-hop, metal và nhạc thử nghiệm. "Trình diễn ở cấp độ địa phương, phát hành băng cassette ở địa phương là một hướng đi hợp lý" - Craig Proulx, đồng sở hữu Bruised Tongue đánh giá.

Chỉ là sự kiện nhất thời?

Denise Gorman cho biết công ty của anh đã nắm bắt một cách nhạy bén xu hướng này và đã chuẩn bị tốt để phục vụ khách hàng. Thực tế, Analogue đã nhận đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới.
Công ty đã có chỗ đứng ở Canada và thu hút nhiều khách hàng quốc tế, từ những nơi như Mỹ, nơi có không ít công ty cung cấp dịch vụ sao chép băng cassette. Nhưng điểm mạnh của Analogue là do quy mô nhỏ nên công ty có độ linh hoạt lớn hơn và cho ra sản phẩm nhanh hơn các đối thủ nên thu lợi cũng lớn hơn.
Nhưng trong khi thu lợi từ sự trỗi dậy mới của băng cassette, Analogue thừa hiểu rằng công ty hoàn toàn không thể đảo ngược sự tiến lên của thời đại và rất có thể những băng cassette đang được ưa chuộng hôm nay sẽ lại bị các khách hàng trẻ tuổi ném vào thùng rác ngay trong tuần sau.
"Anh không nên tiến vào hoạt động làm ăn kiểu này với tư tưởng trong đầu cho rằng đồng hồ đã quay ngược thời gian và xu hướng đi ngược thời đại sẽ tồn tại vĩnh viễn" - Paul Kedrosky, một nhà nghiên cứu ở Quỹ Kauffman nhận xét. Ông cho rằng các công ty đang thu lợi từ sự trở lại của băng cassette cần tự hỏi rằng liệu đây có phải là một xu hướng mang tính nền tảng vững chắc, hay chỉ là sự kiện nhất thời và qua đó có hướng ứng xử phù hợp.


Tường Linh (Tổng hợp) 
Theo báo thể thao & Văn hóa trên trang citinews.net